TRANG CHỦ
GIỚI THIỆU
TIN TỨC - SỰ KIỆN
TƯ VẤN, HỎI ĐÁP
THƯ VIỆN
Qua kết quả kiểm tra và đánh giá của đoàn công tác Cục Bảo vệ thực vật về tình hình sinh vật gây hại trên rừng trồng cây Bạch đàn lai và Keo lai tại tỉnh Bắc Giang, giám định mẫu đất, mẫu cây và sinh vật gây hại Bạch đàn lai và Keo lai cho thấy: Trên cây Bạch đàn lai có các đối tượng sâu bệnh gây hại là loài xén tóc đục thân (Batocera lineolata), sâu đục thân (Endoclita vietnamensis) và bệnh cháy lá, khô cành ngọn do nấm Cryptosporiopsis eucalypti; trên cây Keo lai có nhóm mọt đục thân (Euwallacea fornicatus và Xylosandrus crassiusculus) và bệnh chết héo do nấm (Ceratocystis manginecans). Các đối tượng sinh vật gây hại trên cây Bạch đàn lai và Keo lai tại huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đều đã được ghi nhận, công bố ở nhiều địa phương trên toàn quốc, trong đó thường bị hại nặng trên các giống nuôi cấy mô.
Để chủ động phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại trên cây lâm nghiệp nói chung và cây Bạch đàn lai và cây Keo nói riêng, chúng tôi xin hướng dẫn bà con trồng rừng kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh trên cây bạch đàn và cây keo như sau:
1. Trên cây Bạch đàn lai
Xén tóc đục thân (Batocera lineolata): Các vết cắt cành lớn cần được bôi thuốc liền sẹo, để thành trùng cái không đẻ trứng vào. Dùng bẫy đèn để bắt bớt xén tóc trưởng thành. Thường xuyên thăm vườn cây, quan sát mạt cưa do ấu trùng đục bên trong thân thải ra để theo dấu mà soi bắt ấu trùng. Khi phát hiện thấy cây bị hại nhưng nhẹ thì có thể dùng cây soi lỗ để nhét thuốc trừ sâu dạng hạt vào bên trong thân cây sau đó trét đất lại. nếu cây có nhiều cành bị hại thì chặt bỏ cành hư, gom lại và đốt. Ngoài ra có thể dùng các thân cây khô để rải rác trong vườn để thu hút thành trùng tới xong tiêu diệt.
Sâu đục thân: Vệ sinh lô rừng, những cành hay nhánh hay bộ phận bị sâu gây hại cần được cắt bỏ, dọn sạch và tiêu hủy đúng cách để tránh lây lan; Dùng các loại thuốc hóa học, nếu dùng thuốc hóa học thì có thể dùng thuốc có chứa hoạt chất Dimethoate nồng độ 0,05%. Thuốc này rất hiệu quả đối với sâu đục thân.; Áp dụng các phương pháp sinh học, trong số các loại nấm tốt thì nấm Beauvaria bassiana được đánh giá là có khả năng kiểm soát sâu đục thân tốt.
Bệnh cháy lá, bệnh khô cành ngọn do nấm Cryptosporiopsis eucalypti:
Không nên kinh doanh rừng bạch đàn chồi ở những vùng nhiễm bệnh nặng.
Không trồng các xuất xứ có tính mẫn cảm với bệnh trên các lập địa có lượng mưa hàng năm trên 1800mm và nhiệt độ trung bình năm trên 22oC. Đối với rừng trồng: Khi phát hiện bệnh cần chặt bỏ hết các cành lá bị bệnh, để khô rồi đốt để tránh lây lan trước mùa mưa. Sử dụng các loại thuốc hoá học sau đây để phun phòng trừ và ngăn chặn bệnh lây lan trên diện rộng: Zithane Z 80WP, Zin 80WP; Daconil 75WP; Daconil 500SC, Ridomil GoldÒ 68WG, Ricide 72 WP; Dithane M-45 80WP...
2. Trên cây keo
Mối:
Mối thường gây hại trên rừng mới trồng thay thế rừng nghèo kiệt. Là một trong những côn trùng gây hại nguy hiểm nhất ở rừng, chia làm 2 loại: Mối có sinh sản gồm mối chúa, mối vua, mối giống và mối không sinh sản gồm mối lính, mối thợ chúng sống thành từng tổ đông tới hàng vạn con.
+ Đặc điểm gây hại: Ở rừng cây mới trồng dưới 1 tháng tuổi, mối cắn gốc thân và rễ. Ở rừng cây lớn, mối cắn rễ và vỏ thân tạo những đường hầm xung quanh thân làm cây héo, chết.
Mối thường gây hại trên rừng mới trồng thay thế rừng nghèo kiệt. Mối chủ yếu gây hại trên rừng trồng bằng cây con gieo ở vườn ươm. Chúng ít gây hại trên rừng trồng tái sinh hạt.
Tỷ lệ gây hại trung bình khoảng 20 - 30%, có nơi lên đến 70%.
+ Biện pháp phòng trừ: Thường xuyên vệ sinh, chặt tỉa bớt cành nhánh tạo độ thông thoáng; tránh trồng xen các loài cây mẫn cảm với mối như bạch đàn, thông, tre, luồng…
Sau khi trồng, nếu điều tra thấy có nhiều mối xâm nhập có thể làm những hố nhử mối bằng cành lá.
Mỗi ha có thể đào 5 - 7 hố, sâu khoảng 60 cm, đường kính rộng 60 cm. Cho cành, nhánh, lá mối thích ăn xuống, lấp nhẹ đất, tưới nước nhử mối.
Khi thấy mối xông dùng thuốc trừ sâu để tiêu diệt cả bầy trong hố hoặc dùng loại thuốc vi sinh trừ mối tận gốc phun vào hố để chúng mang về tổ lây nhiễm diệt cả đàn.
Khi phát hiện ra tổ có thể phá vỡ tổ mối, đường nối giữa tổ và nơi mối gây hại bằng dùng thuốc FUNRADAN 8 gr, có thể hạn chế mối phá hại được rừng keo trong thời gian 6 - 9 tháng.
Bệnh chết héo do nấm
Triệu chứng điển hình của bệnh chết héo keo lai, keo tai tượng và keo lá tràm do nấm C. manginecans là trên thân hoặc cành cây bị bệnh có những vết loét, thâm hoặc vết lõm ở phần vỏ cây. Vỏ và gỗ xung quanh vị trí vết bệnh bị đổi màu đậm hơn bình thường, có thể chảy nước hoặc sùi bọt.
Cơ chế gây bệnh: Nấm xâm nhiễm vào cây thông qua các vết thương, nấm phát triển làm bít mạch dẫn nước từ rễ lên ngọn làm cho tán cây thiếu nước, lá bị héo và sau đó làm cây chết. Nấm gây hại tập trung ở giai đoạn 1-3 năm tuổi, thời gian ử bệnh từ 3-6 tháng. Nấm gây bệnh chết héo xâm nhiễm vào cây chủ trong các tháng có độ ẩm cao và các tháng có lượng mưa nhiều. Thời gian xuất hiện triệu chứng bệnh nặng nhất trong các tháng sau mùa mưa.
Biện pháp phòng chống bệnh chết héo cây keo
Biện pháp lâm sinh
+ Tỉa cành vào mùa khô tỉa đầu cành với cây dưới 1 năm tuổi, và tỉa đúng kỹ thuật, không làm tổn thương gốc cành đã hạn chế hiệu quả nấm gây bệnh xâm nhiễm vào cây. Tỷ lệ cây bị bệnh giảm giảm từ 70-75% so với đối chứng.
+ Phơi ải và bón vôi bột đã hạn chế hiệu quả nấm gây bệnh trong các hố đất trồng cây. Đặc biệt là các hố được bón vôi bột hoàn toàn không ghi nhận nấm gây bệnh chết héo sau 30 ngày xử lý.
Biện pháp sinh học: Đã xác định được thuốc sinh học Biobus 100WP và vi khuẩn Bacillus subtilis có hiệu lực ức chế mạnh đối với nấm C. manginecans, hiệu quả trừ nấm gây bệnh cao hơn 40-45% so với đối chứng. Hai loại thuốc sinh học này có khả năng phòng bệnh tốt nhưng yêu cầu thời gian dài.
Biện pháp hóa học: Đã xác định được bốn loại thuốc hóa học Ridomid gold 68WG, Ao’Yo 300SC, Lanomyl 680WP có hiệu lực ức chế rất mạnh đối với nấm C. manginecans, hiệu quả trừ nấm gây bệnh cao hơn 75-80% so với đối chứng.
Mô hình trồng mới
+ Sử dụng giống đã được xác định có khả năng chống chịu bệnh chết héo gồm Keo lai AH7 (hom), Keo lá tràm AA9 (hom) và Keo tai tượng xuất xứ Úc (hạt).
+ Giải phóng đất trước 3 tháng; thu dọn tàn dư thực vật, tiêu hủy những cây keo đã bị bệnh chết héo; đào hố trồng trước khi trồng 1 tháng; bón vôi (0,5 kg/hố) và trộn đều với đất trong hố ngay sau khi đào hố; phơi ải hố 2 tuần sau khi bón vôi. Mật độ trồng từ 1.660 cây/ha, bón lót 200g NPK/hố.
+ Bảo vệ khỏi tác động của gia xúc; tỉa cành vào mùa khô và tiến hành tỉa đầu cành khi cây đạt 5-6 tháng tuổi, cây cao trên 1,2m; Tỉa cành bằng kéo và cưa, không gây tổn thương.
+ Chăm sóc, phát dọn thực bì 2 lần/năm. Tuyệt đối không làm tổn thương rễ khi xới gốc, chăm sóc.
+ Bón chế phẩm chế phẩm sinh học từ nấm đối kháng Trichoderma và vi khuẩn đối kháng Bacillus subtilis vào đầu mùa mưa của năm thứ 2 sau khi trồng. Kết quả, hiệu quả trừ nấm gây bệnh đạt 90% so với đối chứng.