TRANG CHỦ
GIỚI THIỆU
TIN TỨC - SỰ KIỆN
TƯ VẤN, HỎI ĐÁP
THƯ VIỆN
Mới đây, tại xã Phú Nhuận, huyện Lục Ngạn, Trung tâm Khuyến nông tổ chức nghiệm thu mô hình liên kết trồng cây Cát sâm gắn với tiêu thụ sản phẩm, do Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Trung tâm DVKT nông nghiệp huyện triển khai thực hiện.
Tham gia buổi nghiệm thu có đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, Trung tâm DVKT nông nghiệp, lãnh đạo UBND xã Phú Nhuận, Hội Nông dân, ban giám sát cộng đồng cùng các thành viên trong đoàn cũng như các hộ tham gia thực hiện mô hình.
Tại buổi nghiệm thu, ông Hoàng Tiến Lợi, cán bộ chỉ đạo mô hình báo cáo kết quả trong quá trình triển khai thực hiện mô hình. Theo đó, mô hình được thực hiện tại thôn Cầu Vồng, xã Phú Nhuận với quy mô 5,1 ha với 08 hộ tham gia. Tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ 100% cây giống Cát sâm ươm hạt số lượng 14.094 cây. Cây Cát sâm thích hợp với điều kiện của tự nhiên ở địa phương. Dự kiến sau 7 năm trồng cho thu nhập khoảng 140- 160 triệu đồng/ha.
Ông Phạm Văn Sinh, trưởng nhóm đại diện nhóm hộ tham gia mô hình cho biết, các hộ nông dân tham gia mô hình nhận được sự hướng dẫn của cán bộ chỉ đạo mô hình, tuân thủ theo quy trình kỹ thuật. Qua theo dõi cho thấy, cây Cát sâm trồng mật độ hiện tại 2.375 cây/ha, tỷ lệ cây sống đạt 95%, cây không bị sâu bệnh, sinh trưởng, phát triển tốt. Cán bộ kỹ thuật đã chỉ đạo bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc đúng theo quy trình kỹ thuật đề ra. Ông Sinh cũng cho biết, Mô hình trồng cây Cát sâm ký Hợp đồng liên kết, tiêu thụ sản phẩm với Công ty TNHH dịch vụ khoa học công nghệ và thương mại Bảo Minh: Bà Bùi Ngọc Mai, chức vụ Giám đốc (bên mua) nên chúng tôi yên tâm sản xuất.
Phát biểu tại buổi nghiệm thu, ông Nguyễn Văn Mạnh- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết, mô hình triển khai đảm bảo các nội dung, yêu cầu đề ra. Phát triển trồng cây Cát sâm, ứng dụng các tiến bộ Khoa học công nghệ về giống, quy trình kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh để phát triển và quản lý rừng, đất rừng bền vững theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng rừng, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện liên kết trong sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm. Mô hình đạt kết quả tốt sẽ mở ra triển vọng nhân rộng trong những năm tiếp theo, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương.