TRANG CHỦ
GIỚI THIỆU
TIN TỨC - SỰ KIỆN
TƯ VẤN, HỎI ĐÁP
THƯ VIỆN
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia không khí lạnh có khả năng hoạt dộng mạnh trong tháng 12/2024 đến 01/2025 và gây ra các đợt rét đậm, rét hại. Cần đề phòng khả năng xảy ra những đợt rét đậm, rét hại kéo dài đặc biệt tại các khu vực vùng núi phía bắc, kèm theo hiện tượng sương muối, băng giá trong thời gian này. Do diễn biến bất lợi của thời tiết một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi như: Cúm gia cầm, LMLM, Dịch tả lợn Châu Phi…
Để chủ động trong công tác phòng, chống đói rét và dịch bệnh cho vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Sở nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Đồng thời đưa ra một số giải pháp thực hiện phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi như: chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ có hiệu quả phương án phòng chống đói, rét, thiên tai, các văn bản chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi của UBND tỉnh, cơ quan chuyên môn đã ban hành. Thường xuyên cập nhật, theo dõi sát diễn biến tình hình thời tiết, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi để chủ động trong công tác chỉ đạo phòng chống, khắc phục hậu quả đói rét, dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi. Chủ động tham mưu đề xuất nguồn kinh phí dự phòng để thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ cho các cơ sở chăn nuôi có gia súc, gia cầm bị thiệt hại do đói rét, dịch bệnh theo quy định. Thành lập các đoàn công tác đi chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống đói, rét; đặc biệt chú trọng các địa phương vùng cao, vừa bị thiệt hại do cơn bão số 3 (bão YAGI). Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác phòng chống đói rét, dịch bệnh động vật; thực hiện kê khai chăn nuôi đợt 2/2024 theo quy định của Luật Chăn nuôi, thống kê nắm rõ tổng đàn gia súc, gia cầm hiện có của địa phương, danh sách các hộ chăn nuôi, trang trại chăn nuôi theo từng quy mô (nhỏ, vừa, lớn) trên địa bàn làm cơ sở cho việc hỗ trợ thiệt hại khi có vật nuôi chết do dịch bệnh, đói rét.
Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chủ động phòng chống đói rét dịch bệnh trên đàn vật nuôi, cần gia cố chuồng trại cho vật nuôi chuồng nuôi được che chắn tránh gió lùa, giữ khô nền chuồng, làm áo khoác giữ kín, giữ ấm, tạo nguồn nhiệt (đốt trấu, mùn cưa, than củi...) sưởi ấm cho gia súc; không chăn thả, không cho trâu, bò làm việc khi xảy ra rét đậm, rét hại (khi nhiệt độ xuống ≤ 120C); áp dụng chế độ chăn thả muộn, về sớm; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, xử lý tốt gia súc chết và chất thải vật nuôi; thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi đề phòng dịch bệnh xảy ra; khi phát hiện gia súc bị bệnh phải có biện pháp can thiệp kịp thời; chuẩn bị tốt nhân lực, vật tư, vắc xin cho đợt tiêm phòng gia súc trong vụ Đông Xuân. Chủ động dự trữ, bảo quản thức ăn thô xanh, phụ phẩm nông nghiệp hoặc ủ chua thức ăn xanh cũng như thức ăn tinh cho gia súc, cụ thể:
Đối với trâu, bò: Sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên có sẵn (cỏ xanh, cỏ ủ hoặc rơm khô, rơm ủ urê....) và cung cấp với định mức bằng 10% trọng lượng cơ thể, ví dụ trâu bò 300kg thì cho ăn 30kg cỏ xanh hoặc cỏ ủ…; đồng thời bổ sung thêm thức ăn tinh như bột ngô, bột sắn, cám gạo... (khoảng 0.5-1 kg/con/ngày).
Cung cấp đủ nước uống cho trâu bò hàng ngày khi nuôi nhốt trong chuồng; có thể bổ sung cho trâu bò uống nước ấm có hoà muối với lượng khoảng 5g/100kg khối lượng cơ thể để tăng cường sức đề kháng, có thể cung cấp thức ăn xanh ủ chua cho trâu, bò (thân cây ngô, cỏ, rơm ủ…) với lượng 7-10 kg/ngày
Đối với lợn: khẩu phần ăn phải đảm bảo, đầy đủ chất dinh dưỡng (có thể cho ăn tự do, ăn các bữa trong ngày tùy vào loại thức ăn, phương thức nuôi). Bổ sung thêm vitamin, men tiêu hóa thường xuyên cho lợn.
Đối với gia cầm: chủ động tăng lượng thức ăn, uống nước ấm và bổ sung một số loại vitamin, men tiêu hóa, chất điện giải nâng cao sức đề kháng cho gia cầm, đặc biệt là gà; có mật độ nuôi hợp lý đối với gà đẻ 6-8 con/m2; gà thịt 8-10 con/m2 giúp cho gà điều chỉnh nhiệt độ cơ thể tốt hơn. Thực hiện tốt quy trình úm cho gà con; những ngày giá rét không thả gia cầm ra vườn, đồi;
Sở chỉ đạo các cơ quan chuyên môn: Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, kiểm dịch vận chuyển, kiểm tra, kiểm soát hoạt động giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y sản phẩm động vật và an toàn vệ sinh thực phẩm trước, trong và sau tết nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Trung tâm Khuyến nông tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền về các biện pháp, kinh nghiệm, các mô hình hiệu quả trong phòng chống đói rét, dịch bệnh động vật; chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học.