TRANG CHỦ
GIỚI THIỆU
TIN TỨC - SỰ KIỆN
TƯ VẤN, HỎI ĐÁP
THƯ VIỆN
Mới đây, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Lục Ngạn, UBND Thị trấn Chũ tổ chức hội thảo xây dựng Chương trình, mô hình Khuyến nông thúc đẩy và phát triển sản phẩm Ocop huyện Lục Ngạn giai đoạn 2025-2030, với 100 đại biểu tham dự.
Báo cáo tại Hội thảo cho thấy, huyện Lục Ngạn xác định chương trình Ocop là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Phát huy lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, Lục Ngạn tiếp tục là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng sản phẩm OCOP với tổng số 52 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên của 29 chủ thể (Doanh nghiệp: 03 công ty, 25 HTX, 01 hộ sản xuất kinh doanh) với có 47 sản phẩm OCOP đạt 3 sao; 04 sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 01 sản phẩm Vải thiều Lục Ngạn của HTX sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân đang thực hiện đánh giá sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia. Các sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng đã có chất lượng, bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc và được kiểm tra định kỳ các chỉ tiêu về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm khi tung ra thị trường, cụ thể: Nhóm thực phẩm: có 38 sản phẩm đạt 3 sao trở lên (34 sản phẩm đạt 3 sao, 04 sản phẩm đạt 4 sao; 01sản phẩm 5 sao. Nhóm đồ uống: có 4 sản phẩm 3 sao. Nhóm Dịch vụ cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch: 2 sản phẩm 3 sao.
Tại hội thảo, đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến các quy định, tiêu chí đánh giá phân hạng của các sản phẩm Ocop, phát triển sản phẩm, quản lý chất lượng sản phẩm Ocop, xây dựng hồ sơ đăng ký sản phẩm Ocop, giải pháp nâng cao năng lực chủ thể,… Bên cạnh các vấn để xây dựng sản phẩm Ocop, tại hội nghị các đại diện Chi cục Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Dịch vụ kĩ thuật nông nghiệp huyện Lục Ngạn giải đáp nhiều vấn đề xoay quanh giải pháp nâng cao chất lượng cơ bản của sản phẩm. Các sản phẩm được sản xuất theo VietGap, GlobalGap, hữu cơ, liên kết vùng nguyên liệu, kiểm định độc tố, đóng gói bao bì, dịch vụ sau bán hàng, quảng bá và tiếp thị sản phẩm,…
Ông Nguyễn Văn Bộ, thôn Cầu Meo xã Nam Dương chia sẻ: qua tham khảo và học hỏi nhiều chủ thể đã có sản phẩm Ocop trên địa bàn huyện Lục Ngạn thấy được hiệu quả quảng bá, thương mại hóa các sản phẩm nông nghiệp, tham gia vào Ocop người tiêu dùng dễ nhận biết sản phẩm trên thị trường từ đó giá thành nông sản cũng được tăng lên. Qua đó, giúp khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Toàn huyện Lục Ngạn hiện có 35.414 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có gần 28.000 ha cây ăn quả các loại và là vùng trồng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc với các sản phẩm đặc trưng như: vải thiều, cam, bưởi, nhãn, táo…Trong đó diện tích vải thiều 17.360 ha sản lượng hằng năm ước đạt 90-100.000 tấn/năm, cây ăn quả có múi diện tích 4.160 ha sản lượng ước đạt trên 45.000 tấn, cây Nhãn 935 ha sản lượng ước đạt 7.250 tấn, Táo 1.100 ha sản lượng 10.400 tấn; giá trị sản xuất từ cây ăn quả hàng năm đạt từ 3.500- 4.000 tỷ đồng/năm, đã góp phần quan trọng trong xây dựng phát triển nông nghiệp, nông thôn mang đặc trưng của huyện trong phát triển kinh tế- xã hội.
Kết luận hội thảo, ông Đào Xuân Vinh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết: Phát triển các sản phẩm Ocop là tiến bộ được coi là một nấc thang mới cao hơn so với sản xuất nông nghiệp thông thường. Thông qua cuộc hội thảo các đại biểu tìm hiểu thêm các sản phẩm Ocop, cách thức tham gia chương trình Ocop và mang các kiến thức đã được thu thập tại hội thảo về áp dụng vào sản xuất nông nghiệp của gia đình cũng như của địa phương. Từ đó, chúng ta cùng chung tay với các cấp chính quyền trong vấn đề phát triển các sản phẩm Ocop trong thời gian tới.