Bắc Giang: Chăn nuôi an toàn, đẩy lùi dịch bệnh
Lượt xem: 167  | Ngày đăng: 02/01/2022

Thời gian gần đây, tại một số tỉnh xuất hiện các đợt dịch trên đàn vật nuôi gây thiệt hại đáng kể. Ở tỉnh ta, dù gia súc, gia cầm vẫn được bảo vệ an toàn song nguy cơ bùng phát dịch bệnh luôn hiện hữu. 

Duy trì tổ công tác “đặc biệt”

Là người có hơn 10 năm kinh nghiệm trong chăn nuôi lợn nên khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát (năm 2019), ông Nguyễn Văn Cung, thôn Chi Lễ, xã Mỹ Thái (Lạng Giang) không thể ngờ khu chăn nuôi của gia đình lại bị dịch, thiệt hại hơn 600 triệu đồng. Nguyên nhân được xác định do có một số khách hàng vào khu chăn nuôi làm lây lan dịch bệnh. 

Sau bài học ấy, cùng với duy trì, thực hiện nghiêm quy định phòng dịch, tiêm phòng đầy đủ cho đàn lợn, gia đình ông “nói không” với người ngoài khi có ý định vào khu vực chăn nuôi. Cùng đó, ông giao thành viên trong gia đình phụ trách từng khu vực và không được sang khu vực khác; người ở khu nuôi lợn nái, lợn đực giống hạn chế tiếp xúc với thành viên tại khu nuôi lợn thương phẩm. 

Với khách hàng, mọi giao dịch thực hiện qua điện thoại, đến ngày lợn đủ tuổi xuất chuồng, khách hàng đưa xe đến rồi chờ ngoài cổng, ông Cung sẽ lùa lợn ra. Hằng ngày, khu chuồng trại được phun khử khuẩn, không để cho dịch có cơ hội lây lan. “Trung bình mỗi con lợn, gia đình tôi chi phí khoảng 200 nghìn đồng tiền tiêm phòng song điều này chỉ có tác dụng khi môi trường xung quanh an toàn”, ông Cung nói.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, toàn tỉnh có gần 1 triệu con lợn, đàn gà có gần 16 triệu con, hơn 175 nghìn trâu, bò… Bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi, năm nay, Chi cục thành lập, duy trì 4 tổ công tác “đặc biệt” phụ trách phòng dịch tại các địa phương. Theo đó, mỗi tổ phụ trách 2-3 huyện, TP, thường xuyên có mặt tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ để kiểm soát, kịp thời phát hiện những nguy cơ dịch bệnh. 

Ví như tại khu nuôi gà đẻ trứng của Công ty cổ phần Dinh dưỡng Hải Thịnh (Hiệp Hòa), hàng tuần thành viên tổ “đặc biệt” cùng cán bộ Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Hiệp Hòa đến kiểm tra, hướng dẫn phòng dịch, nhắc nhở chu kỳ tiêm phòng cho đàn gà. Tương tự, tại huyện Yên Thế, cán bộ chuyên môn tỉnh, huyện thường xuyên hướng dẫn người dân cách bảo vệ đàn vật nuôi, cùng triển khai thực hiện Đề án xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cho đàn gà.

Đến nay, tổ công tác lấy mẫu đối với 30 hộ, bảo đảm yêu cầu cấp chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh. Chị Chu Thị Hằng (SN 1976), thôn Yên Thế, xã Tam Hiệp cho biết: “Cùng với kiểm tra, hướng dẫn thời điểm tiêm phòng cũng như cách phòng bệnh cho gà trong từng thời điểm, chúng tôi còn được cán bộ khuyến cáo mỗi năm chỉ nên nuôi 2 lứa gà trên cùng một khu vực, thời gian còn lại để sát trùng, tạo điều kiện cho cây cỏ mọc, bổ sung nguồn thức ăn thô cho gà. Nhờ đó đàn gà khỏe, không bị dịch bệnh”.

Kiểm soát chặt việc vận chuyển, không chủ quan

Mặc dù từ đầu năm đến nay, tại các địa phương không xuất hiện các ổ dịch trên đàn vật nuôi song qua đánh giá của cơ quan chuyên môn, nguy cơ bùng phát dịch luôn hiện hữu. Tại một số cơ sở chăn nuôi, công tác phòng dịch vẫn chưa được thực hiện nghiêm, nhiều chủ hộ, nhất là những gia đình nuôi quy mô nhỏ, việc tiêm phòng chưa được coi trọng. Trong khi đó, một số đối tượng vì lợi nhuận, sẵn sàng mua bán, vận chuyển động vật nhiễm bệnh.

Qua thống kê, lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện 19 trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm từ động vật không có chứng nhận kiểm dịch, mắc bệnh… 

Điển hình, khoảng 10 giờ 30 phút ngày 3/9, bà Nguyễn Thị Loan (SN 1974), trú tại tổ dân phố Hợp Tiến, thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) bị lực lượng chức năng phát hiện có hành vi mua bán 517 kg thịt và xương lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi. 

Trước đó, anh Nguyễn Văn Duy (SN 1989) ở xã Kha Sơn, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) bị lực lượng chức năng tỉnh bắt giữ khi đang vận chuyển 51 con lợn nhiễm bệnh tại địa bàn huyện Việt Yên. Theo ông Lê Văn Dương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện đang bước vào thời điểm giao mùa, nguy cơ phát sinh dịch bệnh gây hại đến đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn cao. Trong khi đó tại một số tỉnh lân cận như: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh đã xuất hiện dịch. 

Để hạn chế không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn, Chi cục đã cấp phát hơn 2,2 triệu liều vắc-xin cúm gia cầm, hơn 36 nghìn liều lở mồm long móng, 21,3 nghìn liều tai xanh… cho các địa phương. Các huyện, TP cũng có cơ chế hỗ trợ để người dân mua vắc-xin tiêm phòng cho đàn vật nuôi. 

Ví như tại huyện Yên Thế, trong Đề án phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, UBND huyện sẽ bố trí kinh phí để hỗ trợ người dân mua một số loại vắc-xin, hóa chất vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường đối với đàn bò, dê (đàn gà thực hiện theo Đề án của tỉnh). Còn tại huyện Hiệp Hòa, các xã, thị trấn đều bố trí kinh phí thực hiện việc tiêu độc khử trùng môi trường, hỗ trợ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mua vắc xin. 

“Hiện nay, một số bệnh nguy hiểm như: Cúm gia cầm thể độc lực cao A/H5N8, dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc-xin tiêm phòng, trong khi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát cao. Do đó, ngoài nỗ lực của cơ quan chuyên môn, các địa phương, người dân cần chủ đồng phòng dịch, thực hiện nghiêm khuyến cáo của cơ quan chuyên môn”, ông Lê Văn Dương nói.

Nguồn: Báo Bắc Giang điện tử

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên