TRANG CHỦ
GIỚI THIỆU
TIN TỨC - SỰ KIỆN
TƯ VẤN, HỎI ĐÁP
THƯ VIỆN
Những năm gần đây, người nông dân trong tỉnh tìm cách gia tăng giá trị của cây trồng bằng việc đưa các giống cây có múi về như cam canh, cam Vinh, cam Đường Canh, bưởi da xanh, bưởi Diễn về trồng, không những thu được năng suất cao mà còn cho quả chất lượng ngon, hương vị đặc biệt. Tuy nhiên, cây có múi là loại cây bị ảnh hưởng nhiều bởi các loại sâu, bệnh hai.
Trong đó, Nhện là loài sinh vật gây hại phổ biến trên cây có múi, đặc biệt trong điều kiện khí hậu nóng và khô là thích hợp cho nhện phát triển và gây hại mạnh.
Nhện đỏ hại cây ăn quả có múi hay còn gọi là nhện đỏ cam chanh (Panonychus citri McGregor) là một trong các loài gây hại phổ biến trên cây ăn quả có múi (CAQCM). Nhện đỏ có kích thước cơ thể nhỏ bé, chu kỳ vòng đời ngắn, sức đẻ trứng cao, khả năng thích nghi nhanh với điều kiện ngoại cảnh, loài nhện đỏ này rất dễ bùng phát thành dịch. Nông dân đã áp dụng nhiều biện pháp để phòng trừ nhện đỏ, trong đó biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học là chủ yếu. Việc sử dụng thuốc BVTV hóa học liên tục đã dẫn đến hiện tượng nhện đỏ quen dần với thuốc hóa học, hình thành tính kháng thuốc và hiệu lực của thuốc hóa học giảm dần. Qua thực tế cho thấy, nhện đỏ cam chanh có khả năng phát triển tính kháng thuốc khá nhanh đối với các loại thuốc hóa học trừ nhện đỏ. Cụ thể, nhện đỏ cam chanh đã biểu hiện tính kháng thuốc đối với các thuốc hóa học dùng phổ biến trong sản xuất như: Reasgant 3.6EC, Alfamite 15EC, Ortus 5SC, Comite 73EC,… với chỉ số kháng thuốc Ri biến động từ 12,6 đến 19,6. Vấn đề nhện đỏ cam chanh kháng thuốc đã ảnh hưởng nặng tại các vùng trồng CAQCM khi ngày càng lệ thuộc vào thuốc hóa học trong phòng trừ chúng.
Do vậy, cần áp dụng biện pháp quản lý, ngăn chặn sự hình thành tính kháng thuốc của nhện đỏ cam chanh tại các vùng trọng điểm trồng cây có múi.
Quản lý tính kháng thuốc của nhện đỏ (Panonychus citri McGregor) hại cây ăn quả có múi dựa trên nguyên tắc áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên CAQCM, trong đó tập trung vào một số biện pháp cụ thể như sau:
1. Biện pháp canh tác
Bón phân: Thực hiện theo quy trình kỹ thuật canh tác từng cây ăn quả có múi, bón đủ phân hữu cơ hoai mục.
- Đối với vườn kiến thiết cơ bản: bón 4 lần/năm, các loại phân bón: phân hữu cơ hoai mục, phân hữu cơ vi sinh và phân hóa học (đạm, lân, kali hoặc NPK tổng hợp);
- Đối với vườn kinh doanh : bón phân hữu cơ hoai mục, phân hữu cơ vi sinh và phân hóa học (đạm, lân, kali hoặc NPK tổng hợp). Lượng phân bón tăng dần theo từng năm và năng suất thu hoạch. Chú ý bón đúng theo giai đoạn sinh trưởng của cây (sau thu hoạch, trước khi ra hoa, sau đậu quả, nuôi quả lớn).
Tưới nước: đảm bảo đủ nước trong mùa khô hanh (tưới 7-10 ngày/lần). Tưới phun lên tán lá với áp lực cao có thể hạn chế được mật độ nhện đỏ.
Tỉa cành, tạo tán: thực hiện sau mỗi vụ thu hoạch khi có cành vượt, cành tăm,…
2.Biện pháp sinh học
- Bảo vệ thiên địch tự nhiên : không sử dụng thuốc hóa học liên tục để bảo vệ các loài thiên địch: Bọ rùa đen nhỏ Stethorus punctillum, bọ rùa đen 2 chấm Stethorus sp., nhện nhỏ bắt mồi Phytoseiulus sp., Amblyseius sp., chuồn chuồn cỏ Chrysopa sp., bọ cánh cứng ngắn Oligota sp., bọ trĩ bắt mồi 6 chấm Scolothrips sp,...
- Ưu tiên sử dụng các thuốc sinh học, thảo mộc được phép dùng trên CAQCM: các thuốc có hoạt chất Abamectin (Abagro 1.8EC; 4.0EC, Abapro 1.8EC,...), Azadirachtin (Jasper 0.3EC, ...) và dầu khoáng Petroleum spray oil (Sk Enspray 99EC, Dầu khoáng DS98.8EC,...). Các thuốc được dùng trên cây cam: Abamectin (Catex 1.8EC, Reasgant 1.8EC,...), Azadirachtin (Trutat 0.32EC,...), Matrine (Sokupi 0.36SL, Sakumec 0.36EC,...), Rotenone (Trusach 2.5EC,...), Emamectin benzoate (Tasieu 1.9EC,...), trên cây bưởi: Emamectin benzoate (Vimatox 1.9EC,...).
3. Biện pháp hóa học
- Thời điểm phòng trừ:
Chỉ sử dụng thuốc hóa học khi mật độ nhện 4-5 con/lá hoặc 10% số lá, quả bị hại.
Thường xuyên kiểm tra ruộng, vườn, phát hiện sớm các điểm gây hại của nhện, phun thuốc phòng trừ kịp thời để tránh lây lan trên diện rộng.
Chú ý sự xuất hiện và gây hại của nhện đỏ cam chanh vào các tháng 3, 4, 5, 9 và 10.
- Loại thuốc sử dụng:
Sử dụng các thuốc trong danh mục thuốc BVTV được phép dùng trên CAQCM: Pyridaben (Alfamite 15EC, …), Propargite (Comite 73EC, …),… Các thuốc được dùng trên cây cam: Diafenthiuron (Kyodo 25SC, Detect 50WP,…), Propargite (Kamai 730EC, …).
Các thuốc mà nhện đỏ cam chanh chưa biểu hiện tính kháng ( Ri < 10) thì sử dụng 01 lần/năm. Những thuốc hóa học mà nhện đỏ cam chanh đã biểu hiện tính kháng (Ri>10) phải luân phiên với các thuốc hóa học khác nhóm chưa biểu hiện tính kháng (Ri < 10), hoặc luân phiên với thuốc sinh học, thảo mộc, dầu khoáng và lúc này mỗi loại thuốc hóa học nên sử dụng 01 lần/02 năm.
Ví dụ: Lựa chọn luân phiên các thuốc BVTV để phòng trừ nhện đỏ hại CAQCM:
Lần phun 1: Petroleum spray oil (SK Enspay 99EC,…)
Lần phun 2: Pyridaben (Alfamite 15EC,…)
Lần phun 3: Abamectin (Abagro 1.8EC,…)
Lần phun 4: Azadirachtin (Jasper 0.3EC,…)
……………….
* Hoặc luân phiên giữa các thuốc để trừ nhện đỏ trên cây cam:
Lần phun 1: Azadirachtin (Trutat 0.32EC,…)
Lần phun 2: Diafenthiuron (Kyodo 25SC,…)
Lần phun 3: Petroleum spray oil (SK Enspray 99EC,…)
Lần phun 4: Propargite (Kamai 730EC,…)
……………….
* Hoặc luân phiên giữa các thuốc để trừ nhện đỏ trên cây bưởi:
Lần phun 1: Emamectin benzoate (Vimatox 1.9EC,…)
Lần phun 2: Petroleum spray oil (SK Enspay 99EC,…)
Lần phun 3: Pyridaben (Alfamite 15EC,…)
Lần phun 4: Azadirachtin (Jasper 0.3EC,…)
…………………
- Phương pháp sử dụng: Sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thời điểm, đúng thuốc, đúng nồng độ và liều lượng, đúng cách)và khi phun thuốc ưu tiên sử dụng bình phun máy cao áp, phun kỹ 2 mặt lá. Lượng nước thuốc 400-600 lít/ha.
Hữu Minh